Cơ hội nào cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong năm 2023?

Chứng khoán VnDirect ước tính giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 tăng trưởng ở mức 20-25% so với cùng kỳ. Vì vậy, các lĩnh vực, ngành nghề có liên quan như xây dựng, xây lắp và vật liệu xây dựng (Đá xây dựng, sắt thép, nhựa đường) sẽ có nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới.

“Bắt nhịp” cùng đầu tư công

Năm 2023, trong bối cảnh các kênh huy động vốn tiếp tục gặp khó, đầu tư công được xem là động lực quan trọng cho nền kinh tế với khả năng hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.

Cũng trong báo cáo vừa công bố mới đây, Chứng khoán VnDirect dự báo giải ngân vốn đầu tư công sẽ là điểm sáng trong năm 2023. Vì vậy, các lĩnh vực, ngành nghề có liên quan như xây dựng, xây lắp, vật liệu xây dựng… sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn trong thời gian tới.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong năm 2023?

Trên thực tế, để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác, Chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (hay còn gọi là đầu tư công) ước đạt 698.867 tỉ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước.

Theo đó, VNDirect cho rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20-25% so với thực tế 2022 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới cũng hỗ trợ quá trình này.

Như vậy, nhiều khả năng đầu tư công sẽ bứt phá ngay từ đầu năm 2023. VNDirect cho rằng hàng loạt doanh nghiệp trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi theo.

Loạt doanh nghiệp vật liệu xây dựng hưởng lợi

Nhóm cổ phiếu đầu tư công đang được hưởng lợi lớn khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư có nhiều tín hiệu tích cực. Bởi đây là cơ hội tăng trưởng kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng như đá xây dựng, sắt thép, nhựa đường… đặc biệt là ở các khu vực kinh tế trọng điểm và có dự án lớn.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng như đá xây dựng, sắt thép, nhựa đường… được hưởng lợi lớn khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư có nhiều tín hiệu tích cực

Theo VnDirect, có khá nhiều tên tuổi đầu ngành được nhắc đến như nhựa đường là Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex; thép có Hòa Phát, Nam Kim; xi măng có Bỉm Sơn, Vicem Hà Tiên; đá xây dựng có các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá trữ lượng lớn như CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, CTCP Hóa An, CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa.

Động lực từ dự án sân bay Long Thành

VnDirect cho rằng do đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá xây dựng giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ.

Dự án sân bay Long Thành vừa được khởi công xây dựng san nền và làm móng. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chính đối với nhu cầu đá xây dựng tại khu vực Đông Nam Bộ thời gian tới. VNDirect cho rằng những doanh nghiệp niêm yết sở hữu những mỏ đá nằm gần khu vực này sẽ được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng đá tốt.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đá xây dựng đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam. Dự án trọng điểm này sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2023-2024.

Với nhóm ngành nhựa đường, VnDirect ước tính sẽ có lần lượt 355km/177km đường cao tốc tại cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 sẽ được hoàn thành trong năm 2023-2024. Bên cạnh đó, 729km đường cao tốc tại dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 cũng sẽ đi vào vận hành lần lượt trong giai đoạn 2023-2025.

Trên thực tế, việc rải nhựa đường thường diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án đường giao thông, do đó VnDirect dự báo các công ty nhựa đường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ngay từ quý 1.2023.

Kỳ vọng nhu cầu thép được cải thiện

Đối với nhóm thép, giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào cho sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản nhà ở đối với nhu cầu thép.

Hiện nay, các doanh nghiệp thép trong nước đang chịu tác động từ những khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào cao và nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, VNDirect dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ sẽ cùng giảm 3% trong năm tới.

Về ngành xi măng, tại thị trường nội địa, triển vọng doanh thu sẽ tương đối khó khăn dưới ảnh hưởng của ngành bất động sản. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần nhập khẩu lại sau một thời gian dài đóng cửa sẽ bù bắp phần nào cho các thị trường xuất khẩu truyền thống như Sri Lanka, Bangladesh hay Philippines.

Nhìn chung, sản lượng ngành xi măng 2023 sẽ theo chiều hướng giảm, tuy nhiên, tốc độ giảm sẽ ở mức nhẹ nhàng hơn so với 2022. Theo VnDirect, Xi măng Hà Tiên là doanh nghiệp được đánh giá cao với lợi thế về nguồn nguyên liệu thô, thương hiệu mạnh và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh tốt.

(Theo Cafeland.vn)